Đơn vị tư nhân có được phép đánh bản quyền “Tiến Quân ca” không?

07/12/2021 783

Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào tại khuôn khổ AFF Cup 2020, ngày 6/12/2021 vừa qua, nhiều khán giả xem tường thuật trận đấu này trên nền tảng YouTube không được nghe âm thanh trong phần các cầu thủ hát Quốc ca vì lý do bản quyền

Sự khác nhau giữa quyền tác giả và bản quyền bản ghi tác phẩm

Hiện nay có rất nhiều tranh cãi xoay quanh vụ việc bài hát “Tiến quân ca” bị đánh dấu bản quyền trên Youtube. Trước khi đưa ra câu trả lời về việc các công ty tư nhân có được phép đánh bản quyền sở hữu tác phẩm Quốc ca này hay không, chúng ta cần phải hiểu và phân định rõ về sự khác nhau giữa quyền tác giả và bản quyền bản ghi tác phẩm.

Khán giả không thể nghe phần Quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào tại khuôn khổ AFF Cup 2020 trên Youtube

Khán giả không thể nghe phần Quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào tại khuôn khổ AFF Cup 2020 trên Youtube

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

  • Quyền tác giả hay tác quyền, bản quyền là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
  • Bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Sự khác nhau của hai loại quyền này là quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả; quyền liên quan là quyền được trao cho một, một vài nhóm người vì vai trò quan trọng của họ đối với việc truyền bá và phổ biến một số loại hình tác phẩm đến với công chúng.

Các đơn vị tư nhân có được phép đánh bản quyền “Tiến Quân ca” không?

Theo Báo điện tử VTV, ca khúc “Tiến quân ca” đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc nhưng lại bị một đơn vị tư nhân xác nhận sở hữu bản quyền trên Youtube. Tuy nhiên, phía đơn vị này lại cho rằng, họ đăng ký bản quyền với bản ghi bài Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio thực hiện.

BH Media cho biết chỉ bật chế độ theo dõi với ca khúc "Tiến quân ca" chứ không kiếm tiền từ ca khúc này

BH Media cho biết chỉ bật chế độ theo dõi với ca khúc “Tiến quân ca” chứ không kiếm tiền từ ca khúc này

Được biết, ồ Gươm Audio thực hiện quyền liên quan đối với tác phẩm, đó là sản xuất bản ghi Tiến Quân Ca thì Hồ Gươm Audio có quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 đối với bản ghi này.

Tại khoản 2 của điều này quy định rõ, chủ sở hữu bản ghi có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện một trong những việc như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Do đó, trong trường hợp đơn vị tư nhân được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca này trên nền tảng Youtube thì đơn vị tư nhân có quyền sử dụng và đăng ký bản quyền đối với bản ghi này.

Tuy nhiên, một thắc mắc được đặt ra là “Có được phép sử dụng tác phẩm đã tặng Nhà nước không?”

Trước vấn đề này, chúng ta tiếp tục phải xác định rõ việc cố nhạc sĩ Văn Cao tặng ca khúc Tiến quân ca cho “Nhà nước” hay là “Nhà nước và Nhân dân”.

Xác định Tiến quân ca được tặng cho "Nhà nước" hay là "Nhà nước và Nhân dân"

Xác định Tiến quân ca được tặng cho “Nhà nước” hay là “Nhà nước và Nhân dân”

Bởi trong trường hợp tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền, mọi hoạt động thực hiện quyền liên quan bao gồm việc sản xuất bản ghi Tiến Quân Ca của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cần phải có sự cho phép của cơ quan này.

Còn trong trường hợp hiến tặng cho “Nhà nước và Nhân dân” thì việc cho tặng ca khúc này là chung chung và có thể được hiểu là tài sản thuộc về toàn dân, không có một cá nhân, tổ chức cụ thể nắm quyền sở hữu và ai cũng có quyền sử dụng. Do đó, việc sản xuất bản ghi tác phẩm của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cũng không cần phải xin phép.

Đối với vụ việc này, cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc để xác minh, làm rõ hiện tại tác phẩm Tiến Quân Ca thuộc quyền sở hữu của ai, của Nhà nước hay của toàn dân. Nếu đơn vị tư nhân xác nhận quyền sở hữu phải đưa ra bằng chứng về mối quan hệ của họ với sản phẩm này.

Nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình này, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi này ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, còn đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng qua mạng internet. Cần xem Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không.

Nói cách khác, chủ sở hữu bản ghi có quyền cảnh báo vi phạm hoặc thậm chí là yêu cầu xử phạt đối với các hành vi xâm phạm trên môi trường số nói chung và Youtube nói riêng.

Việc thực thi quyền này được quy định theo pháp luật Việt Nam, chứ không phụ thuộc vào quy định của Youtube hay bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào trên môi trường mạng internet.

Ngoài ra, với việc hiến tặng lại tác phẩm cho Nhà nước và nhân dân, tác phẩm Tiến Quân Ca không còn là của riêng bất cứ bên nào.

Do đó, việc Hồ Gươm Audio sản xuất bản ghi không phải là hành vi xâm phạm, vi phạm quy định. Cũng bởi vậy, Hồ Gươm Audio có đầy đủ quyền liên quan theo quy định của pháp luật đối với bản ghi âm này.

“Hồ Gươm Audio có quyền liên quan đối với bản ghi âm, nên việc ủy quyền cho một bên khác giúp mình bảo vệ quyền là chính đáng.

Quyền ở đây không phải chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là thu lợi nhuận hay thương mại hóa. Quyền ở đây rất rộng, bao gồm cả việc có cho phép người khác đăng lại tác phẩm của mình hay không”
Ngoài ra, trong vụ việc trên, nếu như có hành vi “nẫng tay trên” bản quyền của các tác phẩm sẽ khiến danh dự, uy tín của tác giả, đơn vị sở hữu, phân phối, phát sóng tác phẩm bị ảnh hưởng. Do vậy, họ còn có quyền yêu cầu bồi thường thêm những khoản sau đây: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút…

Hình thức xử phạt đối với đơn vị tư nhân nếu vi phạm

Theo đó, hành vi lợi dụng cơ chế Content ID (một hệ thống quét bản quyền) để “nẫng tay trên” bản quyền của người khác là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và có thể phải chịu chế tài hành chính, hình sự, dân sự tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả gây ra.

Xâm phạm đến quyền tác giả, trục lợi có thể bị phạt tù

Xâm phạm đến quyền tác giả, trục lợi có thể bị phạt tù

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong môi trường kỹ thuật số đó thể bị phạt tiền đến 25.000.000 đồng nếu không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ quyền hữu quyền liên quan theo luật định.

Đối với trường hợp xâm phạm đến quyền tác giả, trục lợi từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện việc sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình thì sẽ bị phạt tiền đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Đối với trường hợp vi phạm các trường hợp sau đây có thể bị phạt tù 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên.

Người vi phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 03 năm. Ngoài ra, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc bồi thường thiệt hại.