Bộ Công an: Sẽ tích hợp bằng lái xe và bảo hiểm xã hội lên thẻ CCCD gắn chip
06/10/2021 1479
Để tiện ích cho người sử dụng, Bộ Công an phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu để xây dựng và dần hoàn thiện một số thông tin cá nhân như bằng lái xe hay bảo hiểm xã hội gắn lên chip thẻ CCCD.
Những tiện ích đã triển khai lên thẻ CCCD gắn chip
Trước mắt, Bộ Công an đã bổ sung các tiện ích như:
- Xác thực tiêm chủng.
- Xác thực giấy đi đường cho người giao hàng.
- Thông tin công dân nhận trợ cấp chính sách theo Nghị quyết số 68,
- Thông tin đăng ký xe theo chức năng quản lý của Bộ Công an
- Thông tin lái xe luồng xanh…
Việc đưa những tiện ích quan trọng này vào cùng 1 chip CCCD sẽ giúp các quản lý từng khu vực dễ kiểm soát, cũng như đem lại lợi ích cho người dùng khi giờ đây các công dân Việt Nam chỉ cần 1 thẻ cá nhân duy nhất – là thẻ CCCD (có gắn chip) để thay thế cho nhiều loại giấy từ khác.
Những tiện ích đang triển khai lên thẻ CCCD gắn chip
Bên cạnh những tiện ích đã được triển khai lên thẻ CCCD gắn chip, Bộ Công An đang phối hợp với Bộ GTVT để nhanh chóng đưa bằng lái xe vào thẻ CCCD gắn chip. Và phối hợp với bên Bảo hiểm xã hội để triển khai đưa thông tin bảo hiểm xã hội của mỗi cá nhân và Căn cước công dân.
Ngoài ra dự tính sắp tới, Bộ Công An cũng đang nghiên cứu và sẽ triển khai thêm một số thông tin liên quan đến hệ thống quản lý con người như hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế gắn vào chip thẻ Căn cước công dân.
Thẻ CCCD gắn chip có vai trò ra sao?
Hiện nay, toàn công dân đang được triển khai làm thẻ căn cước công dân (có gắn chip điện tử) thay cho chứng minh thư trước đây. Đây là loại chip có chứa mã MRZ (mã hàng không dân dụng quốc tế). Theo Thông tư 60 của Bộ Công an quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD), có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2021.
Trên thẻ này sẽ có 6 thông tin cơ bản của một công dân Việt Nam như: Số CCCD, họ và tên, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp, số CMND 9 số đã được cấp.
Còn chip điện tử dung lượng lớn ngoài chứa các thông tin cơ bản của một công dân, ảnh chân dung và vân tay thì còn lưu trữ được nhiều thông tin quan trọng liên quan khác của cá nhân như BHXH; Bằng lái xe,… như đã nói, ngoài ra còn mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai.
Đây chính là chìa khóa để truy cập mọi thông tin của một công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Như vậy có thể thấy, ngoài giá trị chứng minh công dân thì giờ đây người dùng chỉ cần dùng một thẻ CCCD để sử dụng cho nhiều dịch vụ khác cần đến nhiều giấy tờ chứng minh khác nhau.
Ưu điểm của thẻ CCCD có gắn chip điện tử cho người dân
- Thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, chữ in khó phai mờ.
- Độ bảo mật cao hơn CMND, có bộ chứa dung lượng lớn đủ để có thể lưu trữ gần như toàn bộ những thông tin liên quan đến hệ thống quản lý con người.
- Vì giờ đây chỉ sử dụng 1 thể CCCD cho các dịch vụ sử dụng khác nhau nên rất linh hoạt, giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử.
- Có tính bảo mật cao, không thể làm giả, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo.
- Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chip điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline, không cần đường truyền internet.
Để được cấp hoặc đổi sang thẻ CCCD co chip thì công dân cần những gì?
Đối tượng được cấp hoặc đổi sang thẻ CCCD có chip điện tử phải đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Để được cấp hoặc đổi sang thẻ CCCD có gắn chip điện tử thì công dân cần phải thực hiện như sau:
1. Người dân chính thức được làm CCCD ở nơi tạm trú thay vì phải về nơi thường trú như trước đây.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì người dân chỉ cần đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Cơ quan Công an có thẩm quyền bao gồm:
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an với những trường hợp cần thiết do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
2. Khi đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, người dân không cần điền trước thông tin trên tờ khai CCCD như trước.
Khi đi, mang theo sổ hộ khẩu gia đình bản chính và CCCD mã vạch hoặc CMND 09 số và 12 số đang sử dụng đến cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý CCCD của Bộ công an để được hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.
Điều quan trọng là thông tin trong sổ hộ khẩu như ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch… phải đủ và đúng. Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD. Trong trường hợp này, người dân phải đem theo bản sao giấy khai sinh có ngày, tháng, năm sinh đến cơ quan Công an để bổ sung. Riêng trường hợp công dân có giấy khai sinh nhưng không có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh hoặc từ trước đến nay không có giấy khai sinh, không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì phải liên hệ Ủy ban nhân dân nơi đăng ký thường trú để được viên chức Tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào giấy khai sinh hoặc cấp giấy khai sinh theo quy định. Sau đó bổ sung đầy đủ vào sổ hộ khẩu để phục vụ việc cấp CCCD.
Và thời gian trả thẻ căn cước công dân gắn chip giới hạn từ 7 – 20 ngày (theo quy định).
Nguồn: Tổng hợp