Những điều người lao động cần biết để đảm bảo quyền lợi trong giai đoạn Covid-19
09/09/2021 1570
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Chính phủ đã quyết định đưa ra một số chính sách hỗ trợ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn về các chính sách đã được Chính phủ ban hành, đồng thời giải đáp một số thắc mắc thường gặp phải của người lao động trong giai đoạn này.
Giải đáp các câu hỏi thường gặp của người lao động trong thời kỳ Covid
Vấn đề bảo vệ tiền lương được thực hiện thế nào trong trường hợp DN phá sản?
Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hay thanh lý hợp pháp một cam kết (bao gồm cả do hậu quả của Covid-19), Công ước về Bảo vệ Tiền lương, 1949 (Số 95) quy định rằng người lao động phải được coi là chủ nợ đặc quyền đối với những khoản lương chưa được thanh toán được bảo vệ theo quy định của luật pháp quốc gia.
Covid-19 có thể được xét là một bệnh nghề nghiệp hay không?
Covid-19 và sang chấn tâm lý nếu mắc phải do phơi nhiễm liên quan đến nghề nghiệp có thể được coi là bệnh nghề nghiệp.
Trong trường hợp người lao động mắc phải những bệnh này và không còn khả năng làm việc do các hoạt động liên quan đến công việc, họ nên được hưởng bồi thường bằng tiền mặt và được chăm sóc y tế hay các dịch vụ chăm sóc kèm theo theo quy định tại Công ước về Quyền lợi Thương tật Việc làm, 1964 (Số 121).
Người phụ thuộc (vợ chồng và con cái) của những người bị tử vong do mắc phải Covid-19 từ những hoạt động liên quan đến công việc được hưởng trợ cấp bằng tiền mặt hay được bồi thường kèm theo trợ cấp mai táng.
Người lao động có quyền dừng làm việc hay không?
Người lao động có quyền dừng làm việc khi họ đối diện với tình huống mà họ có lý do chính đáng để tin rằng tình huống đó tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng hay sức khỏe của họ. Khi người lao động thực thi quyền này, người lao động đó sẽ được bảo vệ trước những hệ quả không đáng có có thể xảy ra.
Tạm hoãn hợp đồng lao động thì lương và bảo hiểm xã hội sẽ thế nào?
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (Theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH)
Ngoài ra, nếu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Một số chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn Covid-19 bạn cần biết
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
Theo đó, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được Chính phủ hỗ trợ một lần như sau:
- Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người
- Từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ quyết định, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em
Đối với người lao động tại điểm 4, 5, 6 Mục II đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.
Đối với trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết này; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Chính sách hỗ trợ đối với người điều trị Covid-19 và thực hiện cách ly y tế
Đối với các đối tượng đang phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
Đối với đối đối tượng phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác
Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Trên đây là các thông tin liên quan đến quyền lợi của người lao động mà các bạn nên biết để đảm bảo quyền lợi cho mình trong giai đoạn khó khăn này. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ hữu ích với các bạn.