Tháng 11 là đỉnh dịch sốt xuất huyết – Nguyên nhân và cách phòng tránh!

02/11/2021 552

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm qua trung gian từ muỗi sang người, khá nguy hiểm thứ nhất vì dễ biến chứng, thậm chí là tử vong; thứ hai là sốt xuất huyết không ngoại trừ đối tượng nào, đặc biệt là người già, trẻ em và thứ ba là tốc độ lây lan cao, thậm chí sẽ trở thành dịch nếu mỗi gia đình không biết cách tự bảo vệ chính mình và người thân trong nhà. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh.

Sốt xuất huyết mùa nào, tại sao thường xảy ra tháng 11?

Theo thống kê dịch tễ hàng năm, thì vào khoảng giữa tháng 10 – tháng 11 ghi nhận có nhiều ca tỉ lệ nhập viện do các triệu chứng của sốt xuất huyết nhất, trong đó có cả bệnh nhân người lớn và trẻ em.

Lý do tại sao sốt xuất huyết lại thường xảy vào tháng 11 là vì thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi Aedes phát triển. Đây là một loại muỗi vằn có khả năng lây lan bệnh sốt huyết cho người nếu trước đó nó đã hút phải máu của người bệnh.

Có năm đỉnh điểm, số ca nặng phải nhập viện tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai trung bình 10 – 20 ca/ngày và số ca khám điều trị ngoại trú từ 30 – 50 ca/ngày. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai.

Xem thêm: 6 Nguyên tắc “vàng” để phòng bệnh giao mùa cho trẻ luôn khỏe mạnh

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây lan từ muỗi cái Aedes sang người

Triệu chứng và diễn biến của bệnh sốt xuất huyết

Khi muỗi Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue (sốt xuất huyết), virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 – 11 ngày, vì vậy sau thời gian đó muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi virus vào cơ thể người, sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 – 7 ngày, chính bởi vậy nếu muỗi Aedes hút máu người bệnh thì virus sẽ lại truyền sang cho người lành theo cách thức như vậy.

Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh thông thường là từ 3 – 6 ngày (có người kéo dài đến 15 ngày) và người nhiễm bệnh sốt xuất huyết thời gian đầu thường không có biểu hiện rõ ràng.

Sốt xuất huyết

Xuất huyết, ban đỏ dưới da là một trong những triệu chứng phổ biến

Sốt dengue

Sau thời gian ủ bệnh thì dần xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi.
  • Nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân)
  • Thường đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em).

Sau đó sẽ hạ sốt vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và thường đi cùng với các biểu hiện khác như xuất huyết nhẹ dưới da, đôi khi gây ngứa, đầu tiên xuất hiện ở thân minh, sau đó lan rộng đến mặt, lòng bàn tay, chân,… có người chảy máu mũi.

Sốt xuất huyết

Các triệu chứng ban đầu khi bị sốt dengue

Sốt xuất huyết dengue

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, thời điểm hạ sốt là lúc bệnh dễ nặng nhất, chính vì thế người bệnh không được chủ quan, đề phòng bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt đối với những ca bệnh có tiền sử tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp…

Sau 2 – 5 ngày (giai đoạn hạ sốt) một số trường hợp nhiễm trùng đầu tiên và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu (thông thường giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu).

Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong sốt xuất huyết dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường.

Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết dengue và được phân loại theo WHO như sau:

  • Độ I: giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát.
  • Độ II: giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát (chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa).
  • Độ III: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
  • Độ IV: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ: bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.

Cách điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa có thuốc hay vắc xin đặc trị vì vậy các phương pháp chữa hiện nay chỉ điều trị triệu chứng và giảm các biến chứng nguy hiểm về sau.

Cách điều trị cho từng giai đoạn sẽ khác nhau:

  1. Sốt dengue tại nhà: Khi có biểu hiện sốt từ 2 – 7 ngày, người bệnh có thể điều trị tại nhà và tích cực bù nước bằng nước điện giải. Sử dụng nhiệt kế điện tử để biết được tình trạng sốt, đặc biệt người già và trẻ em cần theo dõi sát sao hơn.
  2. Xuất huyết dưới da và niêm mạc: Khi người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc nhiều cần theo dõi và đưa đến cơ sở y tế gần nhất (thời gian nhập viện ngắn thường từ 12 – 24 giờ).
  3. Triệu chứng nặng như chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở… cần nhập viện điều trị trong thời gian dài (> 24 giờ).

Lưu ý đối với bệnh nhân chữa bệnh tại nhà: nghỉ ngơi và bù nhiều nước, ăn các món mềm dễ tiêu hóa; sốt cao thì hạ sốt bằng Paracetamo. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là ý thức người dân trong diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết là rất quan trọng.

Vào những ngày ẩm ướt, mưa nồm sẽ là môi trường thuận lợi để muỗi vằn phát triển, vì vậy mỗi gia đình, cá nhân cần phải:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
  • Không tích trữ nước trong nhà, sân vườn,…
  • Tiêu diệt, đuổi muỗi vằn bằng đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi, tinh dầu đuổi muỗi,…
  • Ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Trong cơn đại dịch Covid-19, chúng ta còn phải sống chung với rất nhiều mối nguy hại khác, vì vậy hãy trang bị kiến thức và sự hiểu biết của mình để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, bảo vệ gia đình và xã hội. Hi vọng bài viết này sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho người đọc. Cảm ơn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.