[Giải Đáp] 8 câu hỏi thường gặp liên quan đến tiêm vắc xin Covid-19 cho mẹ bầu

24/09/2021 1958

Phụ nữ mang thai là đối tượng cần đặc biệt lưu ý trước/trong và sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Không ít bà bầu có chung những thắc mắc về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, những thắc mắc này sẽ được lý giải chi tiết qua bài viết!

Tại sao lại chọn mốc 13 tuần để phân biệt khi tiêm vắc xin Covid-19?

Bộ Y tế Việt Nam rất thận trọng khi tiêm vắc xin Covid-19 cho mẹ bầu vì trong thời gian đầu, bào thai phát triển hình thành thường có những xáo trộn có thể dẫn đến những bất thường, dị dạng thai nhi.

tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai

Trên 13 tuần được xác định là thời điểm an toàn cho tiêm chủng vắc xin Covid-19

Do đó, khi mẹ bầu qua được 3 tháng đầu của thai kỳ, bước vào 3 tháng giữa khi các cơ quan của bé được hình thành để an tâm hơn khi tiêm. Ở trường hợp mẹ bầu tiêm vắc xin Covid-19 sau đó mới phát hiện mang thai thì không có chỉ định đình chỉ thai và tiếp tục theo dõi thai bình thường. 

Phụ nữ mang thai nên tiêm loại vắc xin Covid-19 nào?

BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết: “Hiện nay Việt Nam đang triển khai tiêm các loại vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna,… tất cả các vắc xin này đều tiêm được cho phụ nữ đang mang thai tuần thứ 13 trở lên và phụ nữ cho con bú. Nếu địa phương đang triển khai vắc xin Covid-19 loại gì thì cần tiêm ngay loại vắc xin đó.

Khi đến các cơ sở tiêm chủng, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ cho mẹ bầu biết mình sẽ tiêm loại vắc xin gì, lịch tiêm như thế nào, tác dụng phụ của vắc xin (nếu có), cách theo dõi để phát hiện sớm các tác dụng phụ sau tiêm, từ đó, giúp mẹ bầu an tâm nhất với việc tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mẹ bầu tiêm vắc xin Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Chưa có dữ liệu nào cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 gây ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe thai nhi. BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh: “Hiện nay, trong tất cả các loại vắc xin Covid-19 đang sử dụng tại Việt Nam thì chỉ có vắc xin Pfizer được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên, còn các loại vắc xin khác được khuyến cáo tiêm từ 18 tuổi trở lên. 

Trong quá trình mang thai, nhiều loại kháng thể sẽ được truyền qua nhau thai để giúp em bé trong những ngày tháng đầu đời vẫn được bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh xung quanh.

tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai

Các nghiên cứu chưa ghi nhận sự ảnh hưởng của vắc xin Covid-19 đến thai nhi

Mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 bị sốt cao có nên uống thuốc hạ sốt không?

Theo Bộ Y tế, sau tiêm vắc xin Covid-19, người được tiêm có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, đau cơ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là biểu hiện bình thường của cơ thể đang rất khỏe mạnh và nó phản ứng lại với tất cả những chất được đưa vào. Nếu mẹ bầu xuất hiện các biểu hiện trên kèm với sốt trên 38 độ C (nên sử dụng máy đo nhiệt độ để theo dõi nhiệt độ cơ thể nhanh và chính xác nhất) có thể sử dụng thuốc hạ sốt.

Hiện nay, các loại thuốc hạ sốt phổ biến được Bộ Y tế quy định cũng như là các bác sĩ Sản khoa quy định quy cách mà thai phụ có thể sử dụng là nhóm thuốc Acetaminophen, Paracetamol hay Panadol. Tùy vào tình trạng sốt mà mẹ bầu uống 2-3 lần/ngày, cách 8-12 tiếng uống 1 viên. Thông thường, các phản ứng này sẽ xảy ra trong vòng 48-72h và sau đó sẽ biến mất hoàn toàn.

Trong trường hợp sốt cao 39-40 độ C kéo dài tới ngày thứ 4, 5, có nhiều biểu hiện như ho, chảy nước mũi, ho khạc đờm nhiều, sốt cao kèm khó thở thì thai phụ nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra vì rất có thể chúng ta có một bệnh lý khác chứ không phải là các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin.

Mẹ bầu mới sinh xong cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc TT Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Việc sàng lọc trước khi tiêm là quan trọng, nếu thỏa điều kiện và bác sĩ sẽ loại trừ các tình huống: nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng vết mổ,… thì mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện tiêm chủng.

Vì sao mẹ bầu nên ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 dù sống ở vùng dịch hay không?

Phụ nữ mang thai là đối tượng cần ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19, BS.CKI Bạch Thị Chính khẳng định: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mọi người dân, đặc biệt là thai phụ, đừng để dịch bệnh bùng phát mạnh như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam rồi mới đi tiêm ngừa. 

Tốc độ lây lan của dịch Covid-19 hiện tại rất nhanh, từ tỉnh này lây sang tỉnh khác. Minh chứng sự lây lan của bệnh cúm, lúc đầu phải rất lâu bệnh mới có thể lây lan từ nước này sang nước khác. Sau đó, với những phương tiện vận chuyển, giao thương như máy bay, tàu hỏa,… đã làm mầm bệnh từ địa phương này sang địa phương khác với tốc độ lây lan mạnh.

Phòng bệnh sớm bằng vắc xin, bản thân người tiêm phòng sẽ có sẵn lượng kháng thể trong cơ thể. Khi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài tấn công, chúng ta đã có sẵn những kháng thể để chống lại bệnh. 

>>> XEM THÊM: Mẹ bầu mắc Covid-19 có ảnh hưởng gì đến thai nhi, có gây dị tật không?

Mẹ bầu có thể tiêm phối hợp 2 loại vắc xin Covid-19 khác nhau được không?

Với phác đồ tiêm chủng của vắc xin Covid-19, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng muốn hoàn thành liệu trình tiêm chủng theo một loại vắc xin. Ví dụ như mũi 1 AstraZeneca thì mũi 2 cũng là AstraZeneca, mũi 1 Pfizer thì mũi 2 cũng là Pfizer. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học có nghiên cứu rằng nếu mũi 1 mà người được tiêm AstraZeneca thì mũi 2 có thể tiêm được vắc xin của Pfizer.

tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai

Tiêm vắc xin Covid-19 cho bà bầu cần tuân thủ các chỉ định y khoa

Cần lưu ý, việc phác đồ của 2 mũi vắc xin AstraZeneca được VNVC khuyến cáo cách nhau 4 – 12 tuần, còn phác đồ Bộ Y tế khuyến cáo 8 – 12 tuần, thực chất 2 phác đồ này đều có thể thực hiện được miễn rằng mẹ bầu không thực hiện sớm hơn thông tin kê toa của mũi 1 là 4 tuần.

Phụ nữ chuẩn bị sinh con nếu tiêm vắc xin Covid-19 thì có nguy hiểm không?

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, tác động của vắc xin Covid-19 không gây ảnh hưởng đến thai nhi, mẹ bầu tiêm ngừa là để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và em bé. Gánh nặng của Covid-19 đối với sản phụ là vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn gấp trăm lần so với người bình thường. 

Nếu mẹ bầu được bảo vệ thì em bé cũng sẽ được bảo vệ vì người mẹ khi nhiễm bệnh ngoài nguy cơ nhập viện, thở máy thì sinh non, sảy thai thậm chí tử vong vẫn có thể xảy ra và đó là điều không ai mong muốn. Vì vậy, việc tiếp cận vắc xin Covid-19 khi có cơ hội là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ mẹ và bé một cách tốt nhất.

>>> XEM THÊM: Cách giảm bớt tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19

(Nguồn thông tin: VNVC Việt Nam)