Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì? Hướng dẫn làm mâm cúng Tết Đoan ngọ hoàn thiện

06/05/2021 1199

Tết Đoan ngọ là dịp lễ quan trọng trong văn hóa dân gian tại Việt Nam. Vào ngày này, mỗi gia đình sẽ có một mâm cúng tổ tiên, trời đất nên việc chuẩn bị sắm sửa đồ lễ là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn mâm cúng Tết đoan ngọ gồm những gì và cách nấu, chuẩn bị các món ăn cho mâm cúng vào dịp này.

Mâm cúng Tết đoan ngọ gồm những gì? 

Theo đúng quy cách cúng bái của dân gian xưa, lễ cúng tết đoan ngọ sẽ bao gồm 2 phần là cúng gia tiên và lễ cúng ngoài trời. 

Mâm cúng Tết đoan ngọ gồm những gì? 

Mâm cúng Tết đoan ngọ

Mâm cúng gia tiên

  • Một mâm cơm chay
  • Các loại bánh chay, xôi chay
  • Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt 
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả
  • Ba chén rượu ba màu trắng, đỏ, vàng, trong rượu có pha một chút hùng hoàng
  • Ba chén nước trà ba hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá
  • Có thể mua một chút tiền âm phủ

Mâm cúng các vị thần thánh ngoài trời

  • Bàn lễ trải một tấm vải đỏ rộng
  • Các loại bánh chay, một mâm xôi
  • Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt.
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả.
  • 5 chén rượu năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh, đen. Trong rượu có pha một chút hùng hoàng.
  • 5 chén nước trà năm hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá.
  • Một chiếc lọng đỏ có viền vàng. 

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mâm cúng Đoan ngọ đã được giản lược hơn, thông dụng với các món như rượu nếp, bánh gio, bánh trôi, chè sen, thịt vịt, trái cây (vải, mận, đào, dưa hấu, xoài,…),…

Xem thêm: Tết đoan ngọ là gì? Tết đoan ngọ ăn gì để giết sâu bọ?

Hướng dẫn làm các món ăn cúng Tết Đoan ngọ

Cách làm rượu nếp chuẩn bị cho mâm cúng Đoan ngọ

Cách làm rượu nếp cúng Đoan ngọ

Cách làm rượu nếp cúng Đoan ngọ

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 1 kg Gạo nếp (chọn gạo nếp cẩm hoặc gạo lứt nếp)
  • 20g men rượu (hoặc 2 viên men ngọt)
  • 300g đường
  • Lá chuối hoặc lá sen

Cách làm

Bước 1: Gạo nếp sau khi đãi sạch vỏ/trấu, vo sạch ngâm khoảng 1 tiếng trong nước lạnh. Sau đó đổ gạo ra giá cho ráo nước rồi bắt đầu đem đi nấu

Bước 2: Trộn đều gạo nếp với một thìa nhỏ muối trước khi nấu cơm

Bước 3:

  • Cách 1 (sử dụng nồi cơm điện): Vớt gạo lên cho róc nước rồi cho vào nồi cơm điện, cho nước ngập mặt gạo khoảng 1,5cm và bật nút nấu chín như bình thường,  khi cơm sôi thì đảo lên để xôi chín đều và không bị bén nồi.
  • Cách 2 (sử dụng nồi đồ xôi): Đổ cơm nếp lên trong những chiếc nồi hấp 2 tầng (giống như đồ xôi). Bạn chỉ cần cho nước ở tầng dưới của nồi, đun cho nước sôi, rồi đổ gạo lên tầng trên, đun tầm 30 phút cho tới khi chín. Hơi nước sẽ làm cơm chín đều mà không lo bị khô hay nhão.

Bước 4: Khi cơm nếp chín, cho ra đĩa hoặc mâm để chờ cơm nguội. Dàn mỏng cơm để nhanh nguội hơn

Bước 5: Giã nát men rượu, lọc sạch các bã chấu, tạp chất rồi trộn đều với 1 muỗng cafe đường.

Bước 6: Lá chuối/ lá sen rửa sạch, lau khô rồi lót vào rổ sạch để chuẩn bị ủ rượu nếp, chừa lại ít lá để phủ lên bề mặt khi ủ. Khi xôi nguội chỉ còn hơi âm ấm, các bạn trộn đều từng chút men rượu vào với xôi rồi cho vào trong rổ đã lót lá chuối

Bước 7: Trải chăn vải ra, cho đặt rổ rượu nếp lên trên, đóng kín chăn bao quanh rổ rượu nếp. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì chỉ sau 24h là rổ rượu nếp đã bắt đầu bốc mùi thơm ngào ngạt.

Sau khi đã ủ cơm nếp sau 24h, bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh để chúng không bị chua.

Hướng dẫn làm bánh tro/gio Tết Đoan ngọ cực ngon

Hướng dẫn làm bánh tro/gio Tết Đoan ngọ cực ngon

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Gạo nếp: 1kg
  • Đường, muối
  • Nước tro hoặc nước tro tàu
  • Lá dong loại nhỏ
  • Dây lạt

Cách làm 

Bước 1: Lấy 1kg gạo nếp đãi rửa thật sạch rồi ngâm trong nước lạnh trong khoảng 5 -6h. Bạn nên cho thêm chút muối vào nước ngâm gạo để gạo đậm vị hơn khi nấu.

Bước 2: Sau 5-6 tiếng ngâm gạo với nước lạnh chúng ta sẽ chuyển sang ngâm với nước tro. Nước tro dùng để ngâm gạo bạn pha với tỉ lệ 1:1, tương đương 1 thìa canh nước tro: 1 lít nước lọc. Lưu ý cần đánh kỹ nước tro và nước để bánh thành phẩm có màu vàng óng, trong suốt. Sau khi pha xong, bạn cho gạo nếp vào ngâm trong vòng 22 tiếng. Sau khi ngâm xong bạn bóp hạt gạo thấy vỡ giòn tan là được.

Bước 3: Chần lá dong. Lá dong tươi rửa sạch, cắt phần sống gân. Tiếp đó chần sơ qua lá trong nồi nước khoảng 3 phút để lá mềm, dai sẽ dễ gói hơn. Lau/phơi khô 2 mặt của lá trước khi tiến hành gói bánh.

Bước 4: Gói bánh theo hình chóp tam giác hoặc thành khối tròn dài, dùng dây lạt buộc theo chiều dài của bánh để cố định phần lá lại và để cho gạo không bị bung trong quá trình nấu.

Bước 5: Xếp bánh vào nồi, đổ ngập nước và bắt đầu lên lửa để nấu. Thời gian luộc bánh là khoảng 2 đến 2,5 giờ. Trong quá trình luộc, bạn nhớ theo dõi lượng nước trong nồi, tránh để nước bị cạn khiến bánh bị khét và không chín. Bánh chín, bạn vớt ra khỏi nồi và treo lên cao để bánh rũ hết nước.

Bước 6: Làm mật mía chấm bánh giò. Bạn cho đường trắng chảo, đun với lửa nhỏ cho đến khi thấy màu vàng cánh gián, nước đường đặc quánh là thành công.

Cách làm chè trôi nước đơn giản cúng Tết Đoan ngọ

Cách làm chè trôi nước đơn giản cúng Tết Đoan ngọ

Cách làm chè trôi nước đơn giản

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 300gr bột nếp
  • 200gr đậu xanh
  • 300ml nước cốt dừa
  • 1 nhánh gừng
  • Lá nếp
  • Đường, muối

Cách làm 

Bước 1: Đậu xanh sau khi ninh nhừ, dùng chày hoặc máy xay tán nhuyễn, trộn thêm ít đường vào sau đó trộn đều rồi vo thành viên tròn nhỏ đều nhau.

Bước 2: Sử dụng nước ấm để nhào bột bột nếp (nhiệt độ nước khoảng 30 – 40 độ C là được). Nhào bột kĩ đến khi dẻo mịn, không dính tay thì lấy ra từng phần bột nhỏ, vo tròn rồi cán dẹp, đặt viên đậu xanh vào giữa, khéo léo vê phần bột bọc kín nhân đậu xanh lại.

* Lưu ý là bạn nên chừa lại khoảng 50gr bột để làm bột áo cho bánh về sau.

Bước 3: Cho nước vào nồi. Khi nước sôi thì thả từng viên trôi nước vào luộc đến khi chín. Khi thấy viên trôi nổi lên thì vớt ra thả và nước lạnh để các viên trôi không bị dính vào nhau

Bước 4: Cho 400ml nước và 5 thìa canh đường (đường nâu) vào nồi, nấu cho đường tan hẳn, có vị ngọt vừa. Nếu nhà bạn không có đường nâu thì cũng có thể sử dụng đường trắng và thêm ít màu thực phẩm cho đẹp mắt. Khi đường tan hẳn, nước đường sôi thì thả gừng đã đập dập và lá dứa (lá nếp) vào, rồi cho trôi nước vào cùng, đợi nước đường sôi trở lại thì tắt bếp.

Bước 6: Cho chè trôi ra bát, đổ thêm chút nước cốt dừa để chè dậy mùi thơm hơn.

Xem thêm: Cách làm món vịt nướng ngon chiêu đãi cả nhà dịp Tết Đoan ngọ

Trên đây là các đồ cần chuẩn bị cho lễ cúng Tết Đoan ngọ và cách làm một vài món ăn tiêu biểu cho ngày lễ này. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây của chúng tôi, các bạn sẽ không cần phân vân mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì và có thể tự làm cho gia đình những món ăn ngon, bổ dưỡng cho ngày Tết đặc biệt này nhé!