Người dân đăng ký tiêm Vaccine COVID-19 như thế nào? Ở đâu?
10/07/2021 1977
Người dân muốn đăng ký tiêm Vaccine COVID-19 thì phải làm gì, đăng kí ở đâu? Và hiện tại có loại vắc xin nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn nắm được thông tin chính xác.
- 1. Nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm Vaccine COVID-19
- 2. Loại vắc xin nào được tiêm phổ biến tại Việt Nam
- 3. Thời gian triển khai chiến dịch tiêm chủng Vaccxin COVID-19
- 4. Người dân đăng ký tiêm Vaccine COVID-19 như thế nào?
- 5. Tỷ lệ ngăn ngừa COVID-19 đạt bao nhiêu %?
- 6. Tiêm vắc xin xong có được miễn dịch suốt đời không?
- 7. Phản ứng phụ sau khi tiêm Vaccine COVID-19
- 8. Những điều cần làm trước khi tiêm Vaccine COVID-19
- 9. Những điều cần làm sau khi tiêm Vaccine COVID-19
Nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm Vaccine COVID-19
Theo nghị quyết của Chính Phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, Vaccine ngăn ngừa COVID-19 được ưu tiên tiêm chủng miễn phí cho các nhóm đối tượng là:
- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài.
- Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; dịch vụ điện nước…;
- Người trong ngành giáo dục, đào tạo
- Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người
- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi
- Người sinh sống tại các vùng có dịch
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội
- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
- Và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Loại vắc xin nào được tiêm phổ biến tại Việt Nam
Đến nay, với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, Việt Nam đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Tại Việt Nam, từ khi vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được trung tâm tiêm chủng VNVC đưa về Việt Nam và chuyển giao cho Bộ Y Tế, phối hợp cùng Bộ Y Tế kịp thời triển khai tiêm chủng, cho đến nay đã có hơn 1 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được tiêm cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Vắc xin chống COVID-19 là AstraZeneca được chỉ định cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 còn khá thấp, với 1.340.098 tổng số liều tiêm và 1.3% tỷ lệ tiêm chủng (tính đến ngày 09/06/2021).
Theo đó, ngoài vắc xin AstraZeneca (Vương Quốc Anh), trong năm nay Việt Nam đã đàm phán với các hãng để nhập về thêm 5 triệu liều vắc xin Moderna, 31 triệu liều vắc xin Pfizer và 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga.
Xem thêm: Vaccine Moderna ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả trên 90%, cùng tìm hiểu!
Thời gian triển khai chiến dịch tiêm chủng Vaccxin COVID-19
Theo quyết định của Bộ Y tế số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm Vaccine COVID-19 năm 2021-2022. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ở nước ta.
Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7.2021 tới tháng 4.2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).
Người dân đăng ký tiêm Vaccine COVID-19 như thế nào?
Người dân có thể đăng kí tiêm Vaccine COVID-19 trên website: vnvc.vn. Tuy nhiên sẽ chưa có thông báo thời gian tiêm cụ thể vì số lượng vắc xin sẽ được tiêm theo chỉ đạo của chính phủ và Bộ Y tế, do vậy hiện nay trung tâm tiêm chủng VNCC chưa có thông tin chi tiết, chính xác để cung cấp đến người dân. Bạn có thể theo dõi website: vnvc.vn để được cập nhật ngay khi có thông tin.
Tỷ lệ ngăn ngừa COVID-19 đạt bao nhiêu %?
Đến nay, thế giới có 4 đơn vị phát triển vaccine COVID-19 đã thông báo kết quả hoàn chỉnh hoặc sơ bộ nghiên cứu lâm sàng. Trong đó, vacxin COVID-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford có hiệu quả vượt mức mong đợi của WHO với tác dụng từ 62-90% tùy liều lượng. Cụ thể, theo thông tin từ nhà sản xuất thì hiệu lực bảo vệ của vắc xin COVID-19 của AstraZeneca là 82% sau khi tiêm đủ 2 mũi theo phác đồ.
Tuy nhiên, người dân không được chủ quan, người dân cần đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khoảng cách và khử khuẩn. Người dân cần hiểu rõ, vắc xin không tạo miễn dịch ngay sau khi được tiêm vào, nên các biện pháp bảo vệ khác được khuyến cáo vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt.
Tiêm vắc xin xong có được miễn dịch suốt đời không?
Số liệu về thời gian duy trì miễn dịch bảo vệ phòng COVID-19 đang được theo dõi và đánh giá.
Phản ứng phụ sau khi tiêm Vaccine COVID-19
Tương tự như khi tiêm các loại vắc xin khác, Vaccine COVID-19 cũng có một phản ứng phụ như sau:
- Phản ứng tại chỗ đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm.
- Phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).
- Rủi ro trong trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.
Đối với những người có bệnh nền khi đi tiêm chủng cần lưu ý cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình sức khỏe của bạn (tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng, thuốc đang sử dụng, tình hình sức khỏe hiện tại…) cho cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng có chỉ định tiêm chủng phù hợp và tư vấn theo dõi sau tiêm chủng cụ thể.
Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới ngày 23-2-2021 sau tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm từ 1 đến dưới 10%.
Những điều cần làm trước khi tiêm Vaccine COVID-19
Điều cần làm
- Hãy mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế…
- Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
- Thực hiện Thông điệp 5K và ăn uống đầy đủ.
- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin sức khỏe cá nhân.
- Chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vaccin được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo; các dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi tiêm chủng và cách xử trí.
Điều cần tránh
- Tránh dùng steroid trước tiêm. Các steroide như prednisone và dexamethasone thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác. Không nên dùng steroid một tuần trước, hiện tại và sau khi tiêm chủng, vì steroid ức chế mạnh quá trình viêm và có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm đáp ứng đối với vắc xin COVID-19.
- Không dùng thuốc giảm đau trước tiêm vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin
Những điều cần làm sau khi tiêm Vaccine COVID-19
Sau khi tiêm Vaccine COVID-19, bạn cần tuân thủ như sau:
- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, để phát hiện sớm và kịp thời xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
- Khi về nhà, chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm. Đặc biệt các đối tượng là người cao tuổi, người có các bệnh lý mạn tính kèm theo thì cần theo dõi sát sao hơn. Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 là hiếm gặp như: sốt cao; sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm; tăng hoặc tụt huyết áp; đau cơ dữ dội.
- Cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử các phản ứng sau tiêm gặp phải nếu có.
- Không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm, uống nước đầy đủ, bù nước điện giải.
- Ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Hi vọng với những câu trả lời cho các câu hỏi phổ biến về tiêm chủng Vắc xin COVID-19 sau đây, sẽ giúp bạn nắm được những thông tin chính xác, chi tiết nhất.
Nguồn tổng hợp