Tết đoan ngọ là gì? Tết đoan ngọ ăn gì để giết sâu bọ?
06/05/2021 960
Nhắc đến các ngày lễ trong tháng 5 âm lịch, chúng ta không thể không kể đến Tết đoan ngọ – một ngày lễ truyền thống tại Việt Nam. Vậy tết đoan ngọ là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này ra sao? Hãy cùng đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Tết Đoan ngọ là gì?
Nhắc đến mùng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm người ta thường nghĩ ngay đến Tết Đoan ngọ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết Tết Đoan ngọ là gì và ý nghĩa đằng sau ngày Tết này.
Tết Đoan ngọ hay còn có tên gọi khác là Tết Đoan dương hay Tết diệt sâu bọ. Ngày Tết này đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian của một số nước Đông Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam,…
Tại Việt Nam, Tết Đoan ngọ là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt các loại sâu bọ gây hại cho cây trồng trên đồng ruộng. Trong đó nhiều loại sâu theo người ta là có thể ăn được và được coi như là chất bổ dưỡng. Mặt khác, dựa theo tên của ngày Tết này, “Đoan” là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều mà thông thường người ta hay ăn lễ này vào buổi trưa (thời điểm được coi là diệt sâu bọ hiệu quả nhất).
Xem thêm: Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì? Hướng dẫn làm mâm cúng Tết Đoan ngọ hoàn thiện
Tết Đoan ngọ ăn gì để giết sâu bọ?
Trong dịp Tết Đoan Dương, người ta thường ăn các trái cây, món ăn có tính nóng như rượu, rượu nếp, bánh tro, bánh trôi, chè kê, vải,… để tiêu diệt sâu bọ, bệnh tật trong người. Dưới đây là các món này thường gặp trong ngày lễ này.
Rượu nếp, rượu nếp cẩm
Nhắc đến món ăn dịp Đoan ngọ, chắc chắn không thể không kể đến rượu nếp, nếp cẩm. Món ăn có tính nóng đặc trưng này khá phổ biến trong dịp 5/5 âm lịch tại nhiều địa phương. Người ta cho rằng vào dịp Tết Đoan dương, nếu ăn rượu nếp vào buổi sáng, ngay sau khi ngủ dậy sẽ có tác dụng tiêu diệt sâu bọ ký sinh trong cơ thể vô cùng hiệu quả.
Tập tục ăn rượu nếp vào Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ quan niệm của người xưa. Nhiều người cho rằng bộ phận tiêu hóa trong cơ thể chúng ta thường có nhiều loại ký sinh gây hại, chúng lại thường nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng có thể tiêu diệt được. Chỉ khi vào ngày 5 tháng 5 âm lịch chúng mới ngoi lên nên phải dùng các loại thức ăn cay nóng như rượu nếp, nếp cẩm để tiêu diệt.
Bánh tro
Tùy vào từng địa phương mà bánh tro còn có tên gọi khác là bánh gio, bánh ú, bánh âm. Đây là loại bánh phổ biến trong tiết Đoan ngọ tại miền Nam, Nam Trung Bộ. Bánh tro được làm từ gạo ngâm từ nước tro (loại nước được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm). Loại bánh này rất dễ tiêu, làm mát ruột giúp tiêu hóa tốt nên được ưa chuộng trong dịp Đoan dương.
Trái cây
Các loại trái cây được sử dụng trong dịp này thường là loại quả mùa hè có tính nóng như vải, mận, đào, chôm chôm, xoài,… Cũng như rượu nếp, người ta ăn các loại quả có tính nóng nhằm tiêu trừ các loại sâu bọ có hại trong cơ thể. Đây cùng là các loại trái cây đặc trưng không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ. Nếu thiếu đi những thứ quả này thì Đoan ngọ cũng thiếu đi một phần màu sắc đặc trưng của nó.
Thịt vịt
Nếu miền Bắc tiêu biểu với rượu nếp ngày Đoan ngọ, miền Nam nổi bật với bánh tro đặc trưng thì tại các tỉnh miền Trung, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Vào ngày 5/5 âm hàng năm, các gia đình tại miền Trung lại chế biến vịt theo nhiều cách khác nhau. Người ta cho rằng trong tiết trời nóng nực của mùa hè thì tính mát của vịt sẽ có tác dụng quân bình nhiệt – hàn trong cơ thể.
Xem thêm: Cách làm món vịt nướng ngon chiêu đãi cả nhà dịp Tết Đoan ngọ
Trên đây là những thông tin hữu ích về ngày Tết Đoan ngọ mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. hy vọng rằng sau bài viết này bạn đã biết được Tết Đoan ngọ là gì, ý nghĩa cũng như những món ăn phổ biến của trong ngày này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở bên dưới, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn trong thời gian ngắn nhất!